Hàng thế kỷ sau những viên gạch đầu tiên, năm hội quán người Hoa vẫn đứng trang nghiêm trên những con phố nhỏ trong phố cổ Hội An. Các công trình rực rỡ này là thành phẩm của những người lái buôn và dân nhập cư từ nhiều vùng đất Trung Quốc, những người đã sinh sống tại Hội An và xây dựng các hội quán làm nơi thờ cúng, gặp gỡ, tổ chức lễ hội, và kết nối với nhau. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về những hội quán đậm màu lịch sử này và cách hay nhất để khám phá mỗi nơi.

Hội quán Phước Kiến

46 Trần Phú

Hội quán lớn nhất và cổ nhất Hội An được xây từ những năm 1690 bởi sáu dòng họ Phúc Kiến đầu tiên tại đây. Từ đó đến nay, hội quán đã được trùng tu nhiều lần nhờ đóng góp của người Phúc Kiến ở Hội An. Một lối đi lót gạch dẫn từ cổng chính bên ngoài vào một cổng tam quan cầu kỳ hơn và chánh điện bên trong, qua hai khoảng sân tuyệt đẹp. Thiết kế này tạo ra một ốc đảo tách biệt bên trong, xa khỏi đường phố nhộn nhịp. Hãy ngắm nhìn những viên gạch lát và những bức phù điêu đầy màu sắc trước khi bước vào chánh điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

MÁCH NHỎ: Bạn có thể ghé thăm các hội quán theo thứ tự thời gian, bắt đầu với hội quán Phước Kiến (thập niên 1690), Ngũ Bang (1741), Triều Châu (1854), Hải Nam (1875), và Quảng Triệu (1885). Bạn cũng có thể khám phá cả năm hội quán dọc theo đường Trần Phú từ Chùa Cầu đến hội quán Triều Châu.


Hội quán Quảng Triệu

176 Trần Phú

Hội quán Quảng Triệu nhìn ra một trong những ngã ba tấp nập nhất phố cổ, ngay kế bên Chùa Cầu. Công trình nhỏ gọn nhưng xinh đẹp này là nơi thờ Quan Công, một vị tướng anh dũng trong lịch sử Trung Hoa. Từ trên trần, từng vòng nhang quấn quanh những tờ phướn cầu bình an phảng phất thơm. Như nhiều hội quán khác, hội quán Quảng Triệu vẫn được người Quảng Đông tại đây sử dụng vừa làm nơi thờ cúng, vừa làm nơi hội họp. Nếu là người yêu kiến trúc, bạn sẽ thích mái ngói âm dương truyền thống và khung nhà gỗ nguyên bản của hội quán này.


Hội quán Triều Châu

157 Nguyễn Duy Hiệu

Hội quán Triều Châu nằm cách chợ Hội An chỉ vài bước chân và là một trong những hội quán vắng vẻ hơn ở phố cổ. Bên trong những bức tường vàng này là những bức khắc gỗ tỉ mỉ, phù điêu trên mái, bộ tranh tứ quân tử, và những bức tranh kiếng đầy màu sắc trên cửa. Đa phần các vật liệu dùng để xây hội quán và các cổ vật trưng bày, bao gồm một chiếc chuông đồng cổ và một bức tranh khắc gỗ rất khéo léo, đã được đem sang từ Trung Quốc bằng đường thủy. Khu vực chánh điện thờ Ông Bổn, một hình tượng bí ẩn trong văn hóa Trung Hoa.

MÁCH NHỎ: Một số hội quán trưng bày một chiếc thuyền trong chánh điện, gợi nhắc về cách những người Hoa đầu tiên đã đặt chân đến Hội An và nghề nghiệp của họ khi xưa.


Hội quán Hải Nam

10 Trần Phú

Được xây năm 1875 để thờ 108 thương lái người Hải Nam từng bị hàm oan, hội quán Hải Nam có mặt tiền màu hồng nhạt với hai bức vẽ xe ngựa ở hai bên cổng vào. Hãy nghỉ chân dưới mái hiên đầy hoa bên trong cổng vào để đọc về câu chuyện của 108 vị anh linh trên tường, rồi tiến vào giữa sân để ngắm chiếc lư đồng trăm tuổi phía trước chánh điện. Hội quán Hải Nam là một trong hai hội quán duy nhất ở Hội An có khoảng sân rộng phía sau (hãy nhờ người hướng dẫn mở cửa sân nếu bạn muốn tham quan.)


Hội quán Ngũ Bang

64 Trần Phú

Nếu như bốn hội quán trên được dành riêng cho những nhóm người đến từ các vùng khác nhau của Trung Quốc, thì hội quán Ngũ Bang là nơi gặp gỡ của tất cả người Hoa sinh sống ở Hội An, bất kể đến từ địa phương nào. Hội quán đã gần 300 năm tuổi và là hội quán duy nhất có màu xanh trong phố cổ. Những bức tường màu xanh rực rỡ bao quanh khu vực sinh hoạt cộng đồng ở hai bên chánh điện, nơi người ta vẫn tổ chức các lớp tiếng Hoa dành cho con em người Hoa hay bất kỳ ai muốn theo học ngôn ngữ này.

Xem thêm: Lịch trình một ngày hoàn hảo ở Hội An


Để có thêm thông tin hữu ích, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook và Instagram: @visitquangnam