Hãy ngắm Hội An lâu hơn, kỹ hơn một chút, bạn sẽ nhận ra vẻ đẹp của khu phố cổ đến từ các chi tiết điểm xuyết cho những ngôi nhà và đền chùa cổ kính. Các tác phẩm nghệ thuật tinh tế này được chế tác bởi những làng nghề thủ công quanh Hội An.

Vào thế kỷ 16 và 17, Hội An là thương cảng ưa thích của nhiều lái buôn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập và các quốc gia khác nằm dọc Con đường Tơ lụa trên biển. Nghệ nhân từ khắp Việt Nam đổ về sinh sống dọc sông Thu Bồn và cung cấp các sản phẩm thủ công cho bến cảng Hội An. Những sản phẩm của họ không chỉ sớm được các vị vua triều Nguyễn tìm mua để trang trí cho cung điện và lăng tẩm ở Huế mà còn được các thương lái nước ngoài chú ý đến. Những thương lái này còn mua các loại tơ lụa xa xỉ và các món đồ gốm sứ tinh xảo để bán đi khắp nơi thế giới.

Nghệ nhân ở Quảng Nam đã học cách pha trộn các thiết kế đậm nét Việt Nam với những nền văn hóa khác để đáp ứng nhu cầu của khách nước ngoài, và trở nên nổi tiếng với tay nghề của mình. Nếu yêu thích văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, dưới đây là bốn làng nghề thủ công bạn không thể bỏ qua ở Quảng Nam.


Phuoc Kieu bronze casting village - Craft villages in Hoi An and Quang Nam
Phuoc Kieu bronze casting village - Craft villages in Hoi An and Quang Nam

Làng đúc đồng Phước Kiều

Từ đầu thế kỷ 17, các gia đình đúc đồng trong làng Phước Kiều đã nổi tiếng với các sản phẩm vũ khí, nhạc cụ, đồ trang trí, mà tiêu biểu là lư đồng trong Kinh thành Huế. Ngày nay, một số xưởng đúc đồng gia truyền vẫn đang đào tạo các nghệ nhân đúc chuông, lư, và cồng chất lượng cao. Khi ghé thăm các xưởng đúc đồng này, bạn sẽ được thấy từng bước hoàn thiện của các sản phẩm. Đừng ngại đặt câu hỏi cho các nghệ nhân để tìm hiểu thêm về ngón nghề lâu đời này nhé.


Làng lụa Duy Trinh - Làng nghề thủ công truyền thống ở Hội An Quảng Nam

Làng lụa Duy Trinh

Nói về Hội An, một trong những nơi cung cấp lụa tơ tằm hàng đầu châu Á, thì không thể không nhắc tới làng Duy Trinh. Đất trồng cây dâu tằm từng chiếm hơn 160 héc-ta của huyện Duy Xuyên. Phụ nữ làng Duy Trinh là những người thợ nuôi tằm lấy tơ, và dệt bằng tay để cho ra đời những tấm lụa sang trọng, được giới quan lại và lái buôn giàu có thời xưa ở phố cổ yêu thích. Hãy ghé thăm làng Duy Trinh cùng hướng dẫn viên địa phương để hiểu rõ hơn về quy trình dệt lụa tự nhiên kỳ công này.


Thanh Ha pottery village - Craft villages in Hoi An and Quang Nam
Thanh Ha pottery village - Craft villages in Hoi An and Quang Nam

Làng gốm Thanh Hà

Làng Thanh Hà đã có lịch sử hơn 500 năm làm gốm truyền thống. Đây là nơi cho ra đời những viên ngói đặc trưng để lợp nhà cửa và đền chùa trong phố cổ. Khi xưa, các nghệ nhân làm gốm từ Thanh Hóa di cư xuống phía Nam đã chọn vị trí bên sông đắc địa để lập nên ngôi làng này. Nhiều thế hệ các gia đình làm gốm đã khiến Thanh Hà trở nên nổi tiếng với những món đồ gốm tinh xảo ấn tượng. Cùng quan sát từng bước trong quy trình làm gốm làng Thanh Hà, và thử tự mình tạo ra một món đồ gốm trên bàn xoay truyền thống tại đây.

MÁCH BẠN: Nếu yêu thích đồ gốm, bạn có thể ghé Công viên Đất nung Thanh Hà để tìm hiểu thêm về các làng gốm ở Việt Nam.


Làng mộc Kim Bồng - Làng nghề thủ công truyền thống ở Hội An Quảng Nam

Làng mộc Kim Bồng

Cách Hội An một cây cầu, làng mộc Kim Bồng 600 năm tuổi là làng nghề cổ nhất của Hội An. Để đến làng Kim Bồng, bạn chỉ cần đi theo tiếng đục nhịp nhàng gõ liên hồi vào hàng chục thớ gỗ, ngân vang quanh từng góc đường. Hãy đến thăm một xưởng mộc lâu đời và xem các nghệ nhân tạo hình cho đồ gỗ thờ cúng, tượng gỗ trang trí, nội thất hay lồng chim. Quan sát bàn tay người thợ mộc khảm xà cừ và đục đẽo từng thớ gỗ theo các đường nét tự nhiên để tạo ra sản phẩm sau cùng là một trải nghiệm cực kỳ thú vị. Phần lớn cột nhà, tác phẩm điêu khắc, và đồ nội thất gỗ bên trong nhà cổ Hội An đều là sản phẩm của nhiều thế hệ thợ mộc Kim Bồng.


Để có thêm cảm hứng cho chuyến đi, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook hoặc Instagram: @visitquangnam